Trong xu thế hội nhập và làm việc trong môi trường quốc tế ngay tại nhà, CV viết bằng tiếng Anh ngày càng cần thiết. Bên cạnh tiêu chuẩn của một hồ sơ xin việc thông thường, viết CV bằng tiếng Anh đòi hỏi nhiều yêu cầu hơn về mặt ngôn ngữ lẫn nội dung.

Nhà tuyển dụng cần tìm kiếm điều gì trong CV của ứng viên? Làm sao để viết CV tiếng Anh vượt qua vòng đơn trong các công ty quốc tế, tập đoàn đa quốc gia? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc về những vấn đề trên.

1. CV xin việc trong tiếng Anh là gì?

CV xin việc là viết tắt của Curriculum Vitae trong tiếng Anh, hay còn gọi là Personal Resume. Người ta viết CV như một bản mô tả tóm tắt về chân dung của một ứng viên nộp đơn vào một công ty, tổ chức. 

CV xin việc bằng tiếng Anh bao gồm những thông tin cần thiết và phù hợp của ứng viên với vị trí nhà tuyển dụng yêu cầu, được viết bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Qua bản CV trình bày kinh nghiệm, nhà tuyển dụng sẽ quyết định sẽ lựa chọn bạn cho các vòng tuyển chọn sau hay không.  

CV xin việc bằng tiếng Anh được gọi là Curriculum Vitae

CV xin việc bằng tiếng Anh được gọi là Curriculum Vitae

2. Cấu trúc của một CV xin việc bằng tiếng Anh đạt chuẩn

Bất cứ một CV ứng tuyển nào bằng tiếng Anh cũng cần đảm bảo đủ những nội dung quan trọng. Đây là tiêu chuẩn đầu tiên để thể hiện với nhà tuyển dụng rằng bạn là một ứng viên tốt. Dưới đây là những phần cần thiết nên đưa vào CV tiếng Anh. 

2.1. Thông tin cá nhân (Personal Details)

Đây là phần không thể thiếu để trả lời cho nhà tuyển dụng biết “Bạn là ai?”. Phần này không cần chiếm quá nhiều dung lượng của CV, nhưng cũng nên đảm bảo những thông tin cần thiết sau:

  • Họ và tên đầy đủ (Full name)
  • Ngày tháng năm sinh (Day of Birth - BOD)
  • Số điện thoại liên lạc (Phone number/ Contact)
  • Địa chỉ email liên hệ (Email)

Ngoài ra, phần thông tin cá nhân yêu cầu thêm một số thông tin khác như:

  • Ảnh đại diện cá nhân: hãy lựa chọn chiếc ảnh trông “chuyên nghiệp”, trang trọng nhất có thể.
  • Địa chỉ email cần nghiêm túc, ví dụ như nguyenvana.work@gmail.com. Tránh để những tên email như sieunhan2748@gmail.com sẽ làm bạn mất điểm vì sự thiếu nghiêm túc.
  • Không nhất thiết phải để địa chỉ nơi ở, khiến CV trở nên dài một cách không cần thiết.

2.2. Trình độ giáo dục/ học vấn (Educational Qualifications) 

Học vấn là mục cần thiết nhưng cũng không nên quá dài dòng. Trong phần này, ứng viên có thể trình bày các chứng chỉ, trình độ học vấn của mình như:

  • Tốt nghiệp từ trường nào? Điểm GPA?
  • Các chứng chỉ, bằng cấp đã đạt được? (Ngoại ngữ, tin học, các chứng chỉ liên quan đến nghề nghiệp)

2.3. Mục tiêu sự nghiệp (Career Objective)

Mục tiêu (Goals) khi xin việc là yếu tố chứng tỏ sự nhiệt huyết cũng như quảng bá phong cách, điểm nhấn của riêng ứng viên. Vì tính chất là CV bằng tiếng Anh, bạn có thể chọn bất kỳ câu quotes nào mà bản thân tâm đắc nhất, nhưng cũng đảm bảo các tiêu chí sau:

  • Ngắn gọn, súc tích (Short and Simple): Dùng 1-2 câu để nói mục tiêu, đi đúng vào vấn đề, tránh lặp lại dài dòng.
  • Phù hợp (What’s in it for them): Lựa chọn những mục tiêu phù hợp với vị trí tuyển dụng. Đặc biệt là có điểm giao giữa mục tiêu cá nhân và mục tiêu của tổ chức bạn muốn ứng tuyển.
  • Chân thật (Be Specific): Phản ánh đúng tâm tư, mong muốn và tầm nhìn của bạn, không phải sao chép từ chỗ khác để “làm màu”.

Trong CV tiếng Anh yêu cầu những nội dung gì?

Trong CV tiếng Anh yêu cầu những nội dung gì?

2.4. Kinh nghiệm làm việc (Work Experiences) 

Phần kinh nghiệm là mục quan trọng nhất, chiếm trọng lượng dài nhất trong CV vì đây là bàn cân để nhà tuyển dụng so sánh bạn với ứng viên khác. Trong phần này, cần trình bày những vị trí công việc đảm nhận, chương trình tình nguyện từng tham gia. Mỗi kinh nghiệm cần trình bày theo cấu trúc:

  • Tên công ty/ tổ chức (ưu tiên những tổ chức uy tín trong ngành)
  • Thời gian làm việc (lựa chọn công việc gắn bó trong ít nhất 6 tháng, đây là yếu tố đảm bảo bạn là người cam kết với tổ chức)
  • Vị trí đảm nhận (đưa kinh nghiệm có vị trí cao nhất lên trên. Bên cạnh đó có hai hướng bạn cần khai thác: sự đa dạng khi làm nhiều lĩnh vực, hoặc sự chuyên sâu khi tập trung một vị trí nhưng có đủ độ “chín”)
  • Mô tả chung vai trò (ngắn gọn, khái quát nhất, không nên liệt kê những nhiệm vụ bạn phải làm)
  • Trình bày ngắn gọn thành tựu đạt được trong công việc (đưa nhiều động từ mang tính hành động để nhấn mạnh, làm nổi bật những đóng góp của bạn với vị trí cũ)

Một câu hỏi rất hay gặp phải là “Nếu em là sinh viên mới ra trường, không có nhiều kinh nghiệm thì nên viết thế nào?”, thì hãy thể hiện thông qua các hoạt động thiện nguyện. Tuy không liên quan quá nhiều đến chuyên môn, nhưng hoạt động ngoại khóa sẽ chứng minh những kỹ năng bạn đã được rèn luyện. Các yếu tố chuyên môn sẽ được cải thiện nếu bạn được học hỏi nếu được nhận chính thức. 

2.5. Kỹ năng nghề nghiệp (Skills)

Kỹ năng (Skills) được đánh giá là phần quan trọng thứ 2 trong CV, sau kinh nghiệm làm việc. Kỹ năng là công cụ bổ trợ cốt yếu cho vị trí công việc đang có. Nhà tuyển dụng thường đề cao những ứng viên có nhiều kỹ năng chuyển đổi (Transferable skills). 

Một số nhóm kỹ năng nhà tuyển dụng đề cao như:

  • Teamwork (Kỹ năng làm việc nhóm)
  • Communication and Presentation (Giao tiếp và thuyết trình)
  • Negotiation Skill (Năng lực đàm phán)
  • Foreign Language (Kỹ năng ngoại ngữ)
  • Computer Skill (Tin học văn phòng)

Kinh nghiệm và kỹ năng cần có trong CV xin việc

Kinh nghiệm và kỹ năng cần có trong CV xin việc

Đó là nhóm kỹ năng chung mà bất kỳ một công việc nào cũng yêu cầu. Tuy nhiên, tùy từng lĩnh vực khác nhau, nhà tuyển dụng sẽ tập trung vào kỹ năng liên quan đến chuyên môn. 

Ví dụ, ngành thiết kế yêu cầu năng lực thiết kế; ngành marketing yêu cầu sự sáng tạo và chiến lược… Hãy tập trung lựa chọn kỹ năng bạn đang có đáp ứng đúng yêu cầu của vị trí tuyển dụng đang cần. 

3. Cách trình bày điểm mạnh trong CV tiếng Anh

Điểm mạnh, điểm yếu của một CV xin việc bằng tiếng Anh là yếu tố giúp nhà tuyển dụng so sánh bạn với các ứng viên khác. Hầu như ai cũng muốn làm nổi bật điểm mạnh của mình trong CV xin việc. Nhưng làm thế nào để điểm mạnh lọt vào mắt nhà tuyển dụng, dưới đây là câu trả lời.  

3.1. Nhà tuyển dụng tìm kiếm những điểm mạnh gì ở ứng viên?

Trước khi đưa điểm mạnh của mình vào CV, cần tìm hiểu liệu nhà tuyển dụng đang tìm kiếm điều gì ở ứng viên. Việc quan trọng nhất ứng viên cần làm là đọc kỹ JD tuyển dụng của công ty. Sau đó, xem xét kỹ các công việc phải làm trong vị trí đó và liệt kê ra những điều quan trọng nhất đối với nhà tuyển dụng.

Thông thường, những tổ chức thường tìm kiếm những ứng viên có các tố chất như:  

  • Sự tin cậy (Reliability): Bất kể vị trí công việc của bạn là gì, sự tin cậy thể hiện qua sự tận tâm, sự cầu tiến, tinh thần ham học hỏi và sẵn sàng lắng nghe góp ý để phát triển.
  • Khả năng giao tiếp (Communication): Giao tiếp được sử dụng rất nhiều trong công việc: giao tiếp với khách hàng, đối tác, đồng nghiệp và giao tiếp qua email.
  • Tư duy phản biện (Critical thinking): Nếu người lao động chỉ làm những việc được giao một cách thụ động mà không có tư duy suy xét sâu hơn vấn đề, công ty sẽ khó cải thiện về mặt hiệu suất.
  • Sự sáng tạo (Creativity): Đây là tố chất quan trọng nhất trong thế kỷ 21, khi mà mọi trào lưu liên tục xuất hiện và biến đổi rất nhanh. Nếu không cập nhật và thay đổi, bạn và tổ chức sẽ dễ bị đào thải trong lĩnh vực đang làm. 

Những yếu tố nhà tuyển dụng tìm kiếm trong CV ứng viên

Những yếu tố nhà tuyển dụng tìm kiếm trong CV ứng viên

3.2. Làm sao để làm nổi bật điểm mạnh trong CV tiếng Anh thu hút nhà tuyển dụng?

Trước tiên, hãy đánh giá điểm mạnh của bản thân mình. Có rất nhiều dạng điểm mạnh khác nhau. Vì vậy hãy chia bộ kỹ năng của mình thành các dạng sau để xem xét: 

  • Technical and job-specific skills (Nhóm kỹ năng tập trung vào chuyên môn): Đây là những điểm mạnh bạn đã tích lũy được trong suốt thời gian học tập, rèn luyện và trải nghiệm ở các vị trí, môi trường làm việc khác nhau.
  • Transferable skills (Kỹ năng chuyển đổi): những kỹ năng bạn có thể chuyển đổi từ những công việc trong quá khứ, không nhất thiết phải liên quan đến vị trí nghề nghiệp mới. Ví dụ, giao tiếp là bộ kỹ năng chuyển đổi, có thể ứng dụng trong mọi ngành nghề, nhất là bán hàng, sales, kinh doanh.
  • Personal Skills (Kỹ năng cá nhân): đây là xu hướng tính cách giúp bạn thể hiện tốt trong công việc. Ví dụ, sự cầu toàn, tỉ mỉ, tinh tế hoặc thích sự mới mẻ là những yếu tố cá nhân rất tốt cho một vài công việc cụ thể.

Sau khi đã xác định được những điểm mạnh nổi bật của mình, đã đến lúc đưa điểm mạnh đó vào CV xin việc và truyền tải nó một cách hiệu quả bằng cách:

  • Đưa điểm mạnh kèm theo những thành tựu đã đạt được trong quá khứ (Listing your skills won’t work): thay vì liệt kê, hãy chứng minh những điểm mạnh, kỹ năng bạn có sẽ tạo ra hiệu suất trong tương lai.
  • Đưa bằng chứng cho điểm mạnh (Give evidence of your strengths): thông qua những con số về thành tích để chứng minh.
  • Ngắn gọn, súc tích (Keep it concise): Làm cho câu văn ngắn gọn hơn bằng cách viết ý chính, gạch đầu dòng ở mỗi ý.

Cách làm nổi bật điểm mạnh trong CV thu hút nhà tuyển dụng

Cách làm nổi bật điểm mạnh trong CV thu hút nhà tuyển dụng

3.3. Có nên thể hiện điểm yếu trong CV xin việc tiếng Anh không?

Có lẽ đây là thắc mắc của nhiều ứng viên khi viết CV xin việc bằng tiếng Anh. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, CV hoặc sơ yếu lý lịch không phải là nơi để trình bày về những điểm yếu. Vì mục đích của CV là giúp cho nhà tuyển dụng lựa chọn những nhân sự tiềm năng nhất cho tổ chức của mình. 

Họ chỉ dành từ vài phút, thậm chí vài giây ngắn ngủi để đọc CV của ứng viên. Do đó, việc trình bày điểm yếu chỉ phù hợp khi bạn đã lọt qua vòng phỏng vấn sâu.

Lưu ý rằng việc thiếu một vài kỹ năng hoặc yếu tố cần thiết trong CV không nhất thiết sẽ cản trở cơ hội được nhà tuyển dụng lựa chọn. Đôi khi nhà tuyển dụng không tìm kiếm một người hoàn hảo mà tìm người phù hợp. Dù thiếu một số kỹ năng nhưng có thể bạn sẽ là ứng viên phù hợp nhất với tổ chức của họ lúc đó.

Điều này cũng không có nghĩa là che giấu điểm yếu bằng việc khoe khoang, phóng đại khả năng thật sự của mình. Điều quan trọng nhất là ứng viên phải chuẩn bị thật kỹ để tìm cách giải quyết cho điểm yếu trong các vòng tuyển dụng tiếp theo.

4. Tổng kết

Bài viết đã trình bày chi tiết quy trình viết một CV xin việc bằng tiếng Anh chuẩn nhất, đáp ứng cơ bản những yêu cầu của nhà tuyển dụng. Quy trình này phù hợp với mọi đối tượng, từ sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm đến những người đi làm lâu năm. Hy vọng bài viết hữu ích và giúp bạn tìm được một vị trí việc làm tốt.

Chưa có review nào hết, bạn viết review đi nào hihi!